Liên hệ!

Lớp trưởng: Đặng Lộc Sâm (01678931646)/

  • TRẦN VŨ EM
Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. ( Sđd, tập 10, tr.616 ) ;Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. ( Sđd, tập 9, tr.415 ) Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Ðịch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết. ( Sđd, tập 10, tr.615 )

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Bài Tập Tác Phẩm Và Thể Loại Báo Chí

Trường đại học KHXH&NV                               Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Khoa Báo chí và Truyền thông                                    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



BÀI TẬP
                               MÔN: TÁC PHẨM VÀ THỂ LOẠI BÁO CHÍ
                               LỚP BÁO CHÍ: K. 010          
                               SỐ TIẾT: 45
                               GV PHỤ TRÁCH: NGUYỄN VĂN HÀ
                             
NỘI DUNG
Sinh viên trả lời hai câu hỏi sau:

Câu 1   Phân tích nhan đề (titre) hai tác phẩm báo chí dưới đây. Dựa vào nội dung tác phẩm, Anh/Chị hãy đặt lại nhan đề hai tác phẩm này sao cho chuẩn mực. (5 điểm)
- Tác phẩm 1.1  
Cô giáo rớt viên chức do thiếu số đo vòng ngực
Trong số 215 hồ sơ đăng ký dự xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) năm học 2011, có 12 hồ sơ đã bị hội đồng xét tuyển loại thẳng thừng dù có số điểm rất cao.
Nguyên nhân là giấy khám sức khỏe của 12 cô giáo thiếu số đo vòng ngực.
Theo báo cáo của UBND huyện Tân Sơn, năm học 2011 huyện tổ chức xét tuyển 185 viên chức cho sự nghiệp giáo dục mầm non. Đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại các trường mầm non trong huyện, có tên trong danh sách hợp đồng được hỗ trợ tiền lương của tỉnh tính đến thời điểm 31-12-2010 và đã tốt nghiệp hệ chính quy các trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm chuyên ngành mầm non hoặc chuyên môn phù hợp.
Khi được hỏi về việc 12 cô giáo bị “rớt” với lý do vừa nêu, ông Ngô Anh Ngọc - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn - cho biết: “Giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp hoàn toàn hợp pháp. Còn nhà tuyển dụng căn cứ vào tiêu chí nào, lấy chỉ số đo vòng 1 ra làm sao, thật sự bệnh viện chưa được biết”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Huấn - phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, chủ tịch hội đồng xét tuyển - khẳng định: “Dù 12 thí sinh có điểm xét tuyển cao vượt trội so với các thí sinh còn lại nhưng vẫn bị loại vì giấy khám sức khỏe không hợp lệ. Cụ thể giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số về thể lực, và lỗi này do bên ngành y tế”.
Theo giấy khám sức khỏe của các giáo viên mà chúng tôi được tiếp cận, phần “chỉ số vòng ngực” được để trống nhưng ở phần kết luận giấy khám sức khỏe bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn xác nhận: “Đủ điều kiện sức khỏe để tham gia học tập công tác”.
Theo thông tin chúng tôi có được, 51 giáo viên mầm non ngoài biên chế còn lại của huyện Tân Sơn sẽ được xét tuyển viên chức nốt vào năm sau nhưng họ vẫn thắc thỏm bởi ai dám chắc năm sau ngoài số đo vòng 1, hội đồng xét tuyển sẽ đòi hỏi những số đo nào khác...
P.T (Tuổi Trẻ, 5/7/2011)
- Tác phẩm 1.2
Hỏng be bét công trình giao thông trọng điểm bị “sờ gáy”
Đó là kết luận mà Đoàn kiểm tra 6 công trình giao thông trọng điểm: đường Láng-Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, cầu Thanh Trì - vành đai 3 (Hà Nội), sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương và quốc lộ 48-2 (dự án WB4 đoạn Yên Lý-Nghĩa Thuận, tỉnh Nghệ An).
Trước những bức xúc của dư luận về 6 công trình giao thông trọng điểm hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng sau khi hoàn thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ngày 1-12-2011 đã ra quyết định thành lập các đoàn kiểm tra.

Kết quả kiểm tra tại các dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, dự án cầu Thanh Trì-vành đai 3 (Hà Nội), sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, quốc lộ 48-2 (dự án WB4 đoạn Yên Lý-Nghĩa Thuận, tỉnh Nghệ An) được công bố ngày 3-1 cho thấy công trình nào cũng hư hỏng, sai phạm be bét.

Đoàn kiểm tra cho rằng nhà thầu thi công, tư vấn giám sát chưa thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án như: phần cấp phối của lớp đá dăm không đạt yêu cầu, nhiều hạt nhỏ, độ chặt không đảm bảo, đặc biệt chỉ số dẻo vượt quá sai số cho phép.

Đồng thời nền đường đắp không đảm bảo độ chặt dẫn đến khi đưa công trình vào khai thác đã hư hỏng đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của nước ngầm như tại công trình quốc lộ 48-2, đường cao tốc  TPHCM-Trung Lương, quốc lộ 91B TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thi công lớp mặt bê tông nhựa chia làm nhiều lớp phân đoạn với nhiều nhà thầu khác nhau, thiết bị thi công không đồng đều nên có nhiều mối nối giữa các đoạn dẫn đến độ bằng phẳng khó kiểm soát.

Đặc biệt thiết bị định vị bề dày (sensor) khống chế cao độ (rải bê tông nhựa) chưa tốt, chưa được nhà thầu và tư vấn giám sát chú trọng tại các dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương và đường Cầu Giẽ-Ninh Bình. Đường Láng-Hòa Lạc, TPHCM-Trung Lương thi công trên vùng đất yếu nhưng chưa có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để trừ áp dụng giải pháp làm cầu vượt.

Có dự án đã lựa chọn, sử dụng kết cấu chưa phù hợp; chưa xác định đúng cao độ của tuyến đường, thiết kế hệ thống thoát nước không đồng bộ dẫn đến đọng nước làm hư hỏng mặt đường.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (tốn trên 90 tỉ đồng-Phóng viên) được cho đánh giá là nhận thức về công tác chuyển giao công nghệ chưa đúng, mà bản chất là thuê chuyên gia hướng dẫn thiết và thi công.

Bộ GTVT cũng cho rằng khi công trình xảy ra khuyết tật, hư hỏng, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã chậm triển khai kiểm tra, xác định nguyên nhân. Quá trình xây dựng, giám sát chất lượng của chủ đầu tư chưa chặt chẽ, quá tin tưởng vào đội tư tư vấn giám sát, kiểm định.

Trong khi đó từ công tác thí nghiệm của tư vấn, kết quả kiểm định không trung thực ở dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương, quốc lộ 48-2, tư vấn giám sát đã không làm tròn nhiệm vụ, để nhà thầu thi công không đúng kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ GTVT cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân từ cơ quan quản lý chủ đầu tư, ban quản lý dự án đến tư vấn giám sát, nhà thầu thi công.

Trước đó, ngày 29-11-2011, Bộ trưởng Thăng sau khi kiểm tra, thị sát đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ với Giám đốc điều hành Dự án này đối với ông Lã Chí Đức. Chưa đầy 10 ngày sau, ông Lã Chí Đức chính thức bị cách chức. 3 cán bộ lãnh đạo khác của dự án cũng bị kỷ luật vì liên đới trách nhiệm.

T.Kha (Người Lao Động, 4/1/2012)
Câu 2   Xác định và phân tích các thành phần của tác phẩm báo chí dưới đây. Từ đó nêu nh
ận xét của Anh/Chị về tác phẩm báo chí này. (5 điểm)
       - Tác phẩm 2.1
Báo động đỏ văn hóa bóng đá
Không chỉ đổ bệnh hơn mùa trước với việc cầu thủ chửi trọng tài ngày một nhiều, văn hóa bóng đá mùa giải năm nay còn xuống cấp hơn nữa khi quan chức các CLB cũng tham gia việc lăng mạ trọng tài.
Dù V-League Eximbank 2012 chỉ mới đi được 11 vòng nhưng đã có những tín hiệu báo động đỏ về văn hóa ứng xử trên sân cỏ.
Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài phản ứng bằng cách chỉ tay vào mặt trọng tài Công Khanh - Ảnh: N.K.
Tất cả cùng chửi...
Mở đầu cho "trào lưu" cầu thủ chửi trọng tài mùa này có thể kể ra trường hợp của trung vệ Trần Chí Công (B.Bình Dương). Sau trận thua 1-2 trên sân Thanh Hóa ở vòng 3, trung vệ Trần Chí Công đã hùng hổ lao đến bàn trọng tài chửi bới, xúc phạm trọng tài chính Nguyễn Trọng Thư về quyết định thổi phạt quả 11m trong trận. Kết quả Chí Công nhận án phạt cấm thi đấu bốn trận và nộp phạt 15 triệu đồng.
Ðến vòng 5, tới lượt chủ tịch CLB Sài Gòn FC Nguyễn Ðức Thụy làm "nổi sóng" sân Thống Nhất trong trận gặp SHB Ðà Nẵng. Dù đội nhà giành chiến thắng nhưng sau khi trận đấu kết thúc, bầu Thụy đã từ khán đài lao xuống sân mạt sát trọng tài: "Chúng mày là đồ mất dạy..." khiến nhiều người có mặt trên sân phải ngỡ ngàng. Vòng 10, phó chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài đã có hành động phản cảm chỉ thẳng tay vào mặt trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh để phản ứng trong trận đấu với đội chủ nhà Kienlongbank Kiên Giang. Tuy nhiên, án phạt 5 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ ở khu vực kỹ thuật hai trận với vị phó chủ tịch này sau đó được cho là quá nhẹ.
Một ngày sau cũng ở vòng 10, ngay khi nhận thẻ vàng thứ hai trong trận gặp Sài Gòn FC, Hoàng Danh Ngọc (Vissai Ninh Bình) tuôn một tràng chửi thề với trọng tài chính Ngô Quốc Hưng. Hình ảnh xấu xí đó được truyền đi khắp cả nước khi ống kính của VTV3 quay cận cảnh rất rõ. Trước hành vi thiếu văn hóa ấy, Danh Ngọc bị phạt 20 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 45 ngày.
Và mới nhất ở vòng 11, hậu vệ Quốc Long (Hà Nội T&T) sau khi nhận thẻ đỏ rời sân trong trận gặp HAGL liền xông đến trước mặt trọng tài Ngô Quốc Hưng hăm dọa: "Mày muốn gì? Mày có biết tao là ai không?".
Bầu Thụy vung tay mạt sát trọng tài - Ảnh: S.H.
Thượng bất chính, hạ tắc loạn
Sự xuống cấp của văn hóa bóng đá đến từ nhiều phía. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự cố trên là thái độ thiếu chuyên nghiệp từ cầu thủ đến lãnh đạo đội bóng. Việc các CÐV trên khán đài thường xuyên chửi cầu thủ, đội bóng lẫn trọng tài khi không hài lòng có thể châm chước được do họ không hiểu về luật. Nhưng đáng buồn là cầu thủ hay quan chức CLB cũng sẵn sàng phản ứng, chửi bới trọng tài dù sai. Lẽ ra, trước những hành vi thiếu đạo đức trên sân cỏ của các cầu thủ, lãnh đạo đội bóng cần xem lại và có sự răn đe nhằm ngăn ngừa sự tái phạm trong tương lai. Ðằng này họ lại thực hiện hành vi phản cảm ngay trên sân.
Nhiều người đã bất ngờ khi nghe cầu thủ 22 tuổi Hoàng Danh Ngọc giải thích cho hành động của mình với trọng tài Quốc Hưng: "Ðó là câu chửi thề bình thường tôi vẫn hay dùng. Tôi chửi theo phản xạ chứ không lăng mạ trọng tài". Càng bất ngờ hơn khi nghe HLV Nguyễn Văn Sĩ bình luận cho hành vi này là: "Việc một cầu thủ bị phạt oan nên văng tục cũng không có gì là khó hiểu".
Phát biểu như thế chẳng khác nào khuyến khích cầu thủ mình tiếp tục có những hành vi xấu xí trong tương lai. Cũng nên nói thêm các CLB VN thường không có bất kỳ hình thức phạt thêm nào với cầu thủ trước những hành vi đó. Vì vậy, việc chửi trọng tài ngày một nhiều và "nặng đô" hơn.
Làm sao giáo dục cho cầu thủ khi chính các quan chức của CLB không làm gương mà sẵn sàng tỏ máu ăn thua, chửi bới trọng tài khi cảm thấy không hài lòng. Trọng tài Công Khanh đã phát biểu trên một tờ báo: "Ðến tận giờ tôi vẫn không tin được là cái chỉ tay vào mặt mình lại xuất phát từ vị phó chủ tịch CLB. Ðó là một hành động khiến tôi cảm thấy mình đã bị coi thường và chính sự coi thường trọng tài của một lãnh đội đã mở đường cho cầu thủ hùa theo".
Không lâu sau lúc nhận thẻ đỏ, Danh Ngọc quay lại chửi trọng tài Ngô Quốc Hưng đến ba lần - Ảnh: Quang Minh

Kỷ luật hiếm hoi
Bất bình trước việc thủ quân Tấn Tài luôn chỉ trích đồng đội và nhăm nhăm chơi xấu cầu thủ Hà Nội T&T ở vòng 10, HLV Hoàng Anh Tuấn buộc phải rút cầu thủ này ra khỏi sân để tránh thẻ phạt (Tấn Tài đã có hai thẻ vàng các vòng đấu trước đó). Ra đến khu vực kỹ thuật, Tấn Tài đã có những hành động phản kháng HLV trưởng khá nặng nề, gây bất bình với đồng nghiệp và khán giả ngồi sát đường chạy. Khi được đưa vào phòng thay quần áo, cầu thủ này tung ra nhiều cú đá vào cửa phòng và lớn tiếng gây gổ với nhân viên phục vụ sân.
Vì vậy, ban huấn luyện đã buộc Tấn Tài phải làm bản kiểm điểm về thái độ phản ứng quá đáng nêu trên, đồng thời cắt tiền thưởng. Chưa hết, với thái độ không chịu phục thiện, cầu thủ này đã bị ban huấn luyện cho ngồi trên khán đài trong trận K.Khánh Hòa thua Thanh Hóa 0-1 ở vòng 11.
NGUYÊN KHÔI - SĨ HUYÊN (Tuổi Trẻ, 27/3/2012)
Ghi chú
  1. Sinh viên làm bài trên giấy A4, font Unicode, size 13 (dài không quá 4 trang; dùng bấm chứ không dùng kẹp; không cần bọc bìa cứng, bìa ni-lông).
  2. Chỉ cần nêu mã số tác phẩm (1.1, 1.2…), không nhất thiết nhắc lại nhan đề các tác phẩm trong bài làm.
  3. Cần hạn chế lối viết gạch đầu dòng.
  4. Trình bày theo chuẩn mực bản thảo tác phẩm báo in.
  5. Các bài làm không được giống nhau quá 50% về câu chữ.
  6. Bài làm nộp cho BCS lớp, có danh sách xác nhận chữ ký đã nộp bài.
  7. BCS lớp gửi bài làm về Văn phòng Khoa BC&TT (Phòng A.107, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM) trước ngày 10/4/2012.
  8. BCS lớp in đề kiểm tra và gửi cho các anh chị không có điều kiện tiếp cận qua email của lớp.

                                                                                  TP.HCM, ngày 27 tháng 3 năm 2011
                                                                                                            GV ra đề,

                                                                                                    NGUYỄN VĂN HÀ

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

10 QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN

10 quy tắc ứng xử của đoàn viên, thanh niên trường ĐH KHXH & NV bao gồm:
  1. Đứng lên chào giảng viên khi bắt đầu và kết thúc giờ học, đi học đúng giờ và nghiêm túc;
  2. Tắt quạt, tắt đèn, vệ sinh bảng, vệ sinh phòng học trước khi ra về, bỏ rác đúng nơi quy định;
  3. Trang phục lịch sự, đeo thẻ sinh viên khi đến trường;
  4. Xếp hàng khi chờ thang máy, khi nộp học phí, khi mua hàng ở canteen…;
  5. Mở vòi nước vừa đủ sử dụng và khoá chặt khi sử dụng xong;
  6. Tắt điện thoại hoặc để điện thoại ở trạng thái im lặng khi vào lớp và khi tham gia các hoạt động cộng đồng;
  7. Không chen lấn, không nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng;  nhường ghế cho người lớn tuổi, thầy/cô,  trẻ em, phụ nữ và phụ nữ có thai khi đi xe buýt;
  8. Không gian lận trong thi cử và các hoạt động học thuật khác;
  9. Không tham gia các tệ nạn xã hội, cờ bạc, cá độ…;
  10. Không hút và vận động bạn bè không hút thuốc lá trong trường học, nơi công cộng.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls